Cột cờ Thủ Ngữ – một dấu ấn lịch sử của Sài Gòn

Cột cờ Thủ Ngữ không chỉ là một kiến trúc cổ nổi tiếng mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Sài Gòn.

Chùm ảnh: Cột cờ Thủ Ngữ – một dấu ấn lịch sử của Sài Gòn

Nằm bên ngã ba sông Sài Gòn – kênh Bến Nghé, cột cờ Thủ Ngữ (quận 1, TP HCM) là một trong những công trình lịch sử nổi tiếng của Sài Gòn thời thuộc địa.

Cột cờ được xây dựng vào năm 1865, với tên gọi “Thủ Ngữ” có nghĩa là điểm giữ cửa cảng.

Công trình được xây đối diện với Nhà Rồng – trụ sở của Công ty vận tải đường biển Pháp – qua dòng kênh Bến Nghé và nằm dưới sự quản lý của công ty này trong suốt thời thuộc địa.

Vào thời kỳ đó, cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng biết là đã được vào ngay hay phải chờ đợi.

Cột cờ Thủ Ngữ gắn liền với di tích Bến Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911.

Đây cũng là một trong những chứng tích lịch sử của sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23/9/1945.

Ngay dưới chân Cột cờ Thủ Ngữ năm đó, một tiểu đội tự vệ chiến đấu của quân và nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã chiến đấu ngoan cường chống trả một đại đội quân Anh được trang bị vũ khí hiện đại và đầy đủ.

Nhưng với lực lượng mỏng, vũ khí thô sơ nên các chiến sĩ của tiểu đội đã anh dũng hy sinh…

Những năm gần đây, cột cờ Thủ Ngữ đã được tôn tạo, nâng cấp, phục chế để phù hợp với quy hoạch xây dựng khu trung tâm TPHCM, bờ Tây sông Sài Gòn.

Theo KIẾN THỨC