Chùa Dâu (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) còn có tên là chùa Diên Ứng, Pháp Vân hay chùa Cả, là ngôi chùa lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Di vật xưa nhất còn sót lại của chùa là một con cừu đá nằm dưới chân tháp Hòa Phong.
Con cừu đá chùa Dâu có chiều dài dài 1,33 m, cao 0,8 m, có vào thời thuộc Hán, khoảng thế kỷ thứ 2, cách ngày nay gần 2.000 năm.
Cừu được tạc từ một tảng đá nguyên khối với những đường nét chắc khỏe nhưng cũng không kém phần sinh động.
Đầu cừu được tạo hình khá chi tiết với con ngươi, lỗ mũi, miệng, rãnh sừng, rãnh tai được thể hiện rõ.
Chân cừu gập lại, dáng phủ phục trên mặt đất.
Các khuỷu chân trước và sau đều có vân xoáy.
Mông cừu được tạo hình khá tròn trịa.
Lưng cừu và đỉnh đầu cừu mòn vẹt do trong một thời gian dài người dân trong vùng đã dùng cừu làm bàn đập lúa.
Cừu cũng phải hứng chịu nhiều vết vạch, khắc nham nhở do những đối tượng thiếu văn hóa gây ra.
Do con cừu có một chòm râu rài nên một số người cho rằng nó thực chất là… dê chứ không phải cừu, vì loài cừu vốn không có râu.
Dù là cừu hay dê thì đây cũng là một hình tượng khá xa lạ với chùa Việt. Xung quanh sự tồn tại của cụ cừu 2.000 tuổi này có khá nhiều giai thoại.
Theo một tích cổ, Sĩ Nhiếp (vị quan đô hộ lãnh thổ Việt thời Hán) có hai con cừu cưng. Khi ông mất cà hai con đi lạc, một đến chùa Dâu, một tìm được về lăng Sĩ Nhiếp.
Trên thực tế, ở lăng Sĩ Nhiếp cách chùa Dâu không xa cũng có một con cừu đá cổ cùng kiểu dáng, chất liệu.
Nếu lý giải một cách khoa học, có thể hai bức tượng cừu vốn được đặt ở lăng Sĩ Nhiếp thành một cặp theo tục chôn cất của người Hán. Vì lý do nào đó, một bức tượng đã được kéo về chùa Dâu vào thời kỳ sau này…
Theo KIẾN THỨC