Khám phá kiệt tác Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn

Làm bằng đồng với khối lượng trên 22 tấn, Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là những hiện vật đặc biệt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Chùm ảnh: Khám phá kiệt tác Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn

 Đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là những hiện vật đặc biệt của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

 Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1/3/1837, gồm 9 chiếc đỉnh bằng đồng, lấy ý tưởng từ Cửu đỉnh của nhà Hạ ở Trung Quốc.

 Đỉnh hay vạc vốn là đồ để nấu ăn thời xưa, được đúc bằng kim loại, thường có hai quai và ba chân, nhưng được các bậc vua chúa tôn lên là tượng pháp để tượng trưng cho quyền lực thống trị của nhà nước quân chủ. Trước khi có Cửu Đỉnh, các vua chúa nhà Nguyễn từng cho đúc nhiều đỉnh đồng để xác định quyền uy của triều đại.

 Cửu Đỉnh được đặt ở trước Hiển Lâm Các theo một hàng ngang, đối diện với Thế Miếu, ứng với án thờ của các vua nhà Nguyễn trong Thế Miếu.

Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một thụy hiệu của mỗi vị hoàng đế triều Nguyễn, lần lượt là Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh, Anh đỉnh, Nghị đỉnh, Thuần đỉnh, Tuyên đỉnh, Dụ đỉnh, Huyền đỉnh.

 Cao đỉnh ứng với án và khám thờ vua Nguyễn Thế Tổ (vua Gia Long), được đặt ở chính giữa trong số Cửu Đỉnh và là đỉnh duy nhất được nhích về phía trước 3 mét với hàm ý tôn vinh vị vua sáng lập triều đại.

 Nhìn chung, cả chín chiếc đỉnh đều có dáng chung giống nhau: bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có ba chân. Ở phần cổ đỉnh, bên phải ghi năm đúc đều là “Minh Mạng thập lục niên Ất Mùi” tức là năm 1835.

 Nhưng mỗi đỉnh cũng có nét riêng, thể hiện ở kiểu dáng quai, vành miệng, vai, chân và đáy.

 Mỗi đỉnh được chạm khắc 17 bức họa tiết và 1 bức họa thư, gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí…

Các bức chạm này tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.

Nguyên liệu đúc Cửu Đỉnh do triều đình cung cấp, gồm nguyên liệu chính là đồng và kẽm, có thể thêm chì, thiếc… lấy từ trong kho hoặc các phế khí hay những vật phẩm bằng đồng không cần dùng nữa.

Tổng khối lượng đồng để đúc chín chiếc đỉnh là trên 22.000 kg.

 Quá trình chế tạo Cửu Đỉnh gồm nhiều khâu, cơ bản là các công đoạn kỹ thuật như làm khuôn, nấu đồng và đúc đỉnh. Sau khi đúc các nghệ nhân mới hoàn thiện các mảng chạm khắc.

 Để đúc Cửu Đỉnh, những người nghệ nhân tài hoa nhất của nước Việt thời đó đã được quy tụ.

 Sau khi Cửu Đỉnh hoàn thành, nhà vua thưởng cho người Đốc biện và binh lính trông coi một tháng tiền lương, thợ và người làm thưởng chung cho 300 quan tiền. Đồng thời, vua cũng sai bộ Lễ sắm sửa lễ vật tạ ơn thần linh giúp đỡ cho việc đúc Cửu Đỉnh được thành công.

 Trải qua gần 2 thế kỷ biến động, Cửu Đỉnh vẫn không thay đổi vị trí, còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Theo KIẾN THỨC