Tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, quận 1, TP HCM, Điện Ngọc Hoàng hay chùa Ngọc Hoàng, tên chữ là Phước Hải Tự, là một công trình tôn giáo độc đáo của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn xưa.
Đây là một ngôi chùa cổ có quy mô lớn, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ.
Chùa nằm trong một khuôn viên rộng khoảng 2.300 m2, phía trước chùa có ngôi miếu nhỏ đặt tượng Hộ Pháp.
Cổng tam quan nổi bật với những đường nét uốn lượn hình sóng nước của những cặp rồng theo tư thế “tranh châu”.
Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu.
Chính điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Thiên Bắc Đế với các thiên binh, thiên tướng.
Chùa Ngọc Hoàng cũng phối thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và một số thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng của người Hoa.
Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật tinh xảo như tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi.
Về lịch sử, chùa Ngọc Hoàng vốn là một điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một nhà tu hành người Hoa tên Lưu Minh (pháp danh là Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20.
Năm 1982, Hòa thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản điện thờ. Kể từ đó điện thờ này thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đến năm 1984, thì điện Ngọc Hoàng được đổi tên là “Phước Hải Tự”.
Hàng ngày du khách trong và ngoài nước đến điện Ngọc Hoàng chiêm bái, tham quan chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất ở nơi đây là lễ Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm.
Theo KIẾN THỨC