Những vết đạn còn lại từ thời chiến tranh Việt Nam

Tiếng súng đã ngừng 40 năm, nhưng những vết đạn của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn tồn tại như những vết hằn đau thương của lịch sử.

Khẩu thần công bên cổng thành cổ Quảng Trị chi chít những vết đạn để lại từ trận đánh khốc liệt diễn ra tại nơi đây năm 1972.

Bề mặt lỗ chỗ hàng trăm vết đạn của tháp chuông nhà thờ Đức Mẹ La Vang, Quảng Trị. Nhà thờ cổ này đã bị phá hủy nặng nề trong chiến sự năm 1972, giờ dây chỉ còn là một phế tích.

Trước 1975, đồi Vọng Cảnh là cứ điểm phòng thủ phía Tây thành phố Huế của quân đội Sài Gòn. Ngày nay, những lô cốt trên đồi vẫn mang dấu đạn của những trận độ ác liệt giữa quân Giải phóng với lực lượng chốt giữ nơi đây.

Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Hoàng thành Huế bị hư hỏng nặng nề. Ngày nay, các công trình ở Di sản thế giới này đã được trùng tu, nhưng những vết đạn trên Cửu Đỉnh (chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành) thì vẫn còn mãi.

Vết đạn ở các lô cốt trên đỉnh đèo Hải Vân là chứng tích của chiến dịch Huế – Đà Nẵng tháng 3/1975. Trong chiến dịch này, quân Giải phóng đã chiếm cứ điểm đèo Hải Vân vào ngày 29/3, mở đường cho việc giải phóng Đà Nẵng trong ngày hôm đó.

Do nằm trong khu vực Ngũ Hành Sơn – một căn cứ quan trọng của lực lượng Giải phóng ở Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình Khuê Bắc đã bị tàn phá nặng nề trong các cuộc giao tranh. Tấm bính phong phía trước đình giờ đây vẫn nham nhở những vết đạn.

Nằm cạnh tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh Quảng Nam, tháp Chăm Bằng An không tránh khỏi sự hư hỏng do các cuộc giao tranh thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Dấu tích của các vụ bắn phá vẫn còn hiện hữu trên tòa tháp.

Cổng sắt của ngôi nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 10, quận 3, TP HCM vẫn còn vết đạn do địch bắn để phá cửa năm 1968 vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.

Theo KIẾN THỨC