Vào thời kỳ cao điểm của chiến tranh Việt Nam, trại tù Phú Quốc có quy mô rộng 400 ha với trên 400 nhà giam, giam cầm hơn 32.000 tù nhân chính trị.
Ngày nay một phần của trại tù khổng lồ này đã được phục dựng với khoảng 20 nhà giam, nằm tại thị trấn An Thới của huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Dù chỉ có quy mô bằng 1/20 so với thực tế, nhưng những gì được chứng kiến ở đây cũng khiến người xem kinh hoàng.
Ấn tượng đầu tiên về trại tù là hệ thống tường rào đặc biệt bao quanh trại giam.
Hệ thống này gồm các lớp dây kẽm gai dày đặc.
Giữa mỗi lớp rào là hành lang dành cho quân cảnh và chó nghiệp vụ đi tuần 24/24h.
Loại dây kẽm gai được sử dụng ở đây là dây dao lam, với các ngạnh sắc nhọn, có giá thành cao và nguy hiểm hơn dây kẽm gai thông thường.
Dây dao lam rất dễ mắc vào người, càng vùng vẫy càng mắc sâu và bị xé toạc da thịt.
Chung quanh khu trại giam còn có các tháp canh gác với binh lính vũ trang luôn túc trực.
Cổng vào khu trại giam cũng có nhiều lớp.
Các nhà giam có cấu trúc vì kèo sắt, nóc tôn, vách tôn, mỗi phòng bề ngang 5 mét, dài 20 mét, hai đầu chừa hai lối ra vào. Mỗi bên vách tôn có 4 cửa sổ, dưới vách tôn có khoảng trống chừng 3 tấc, có rào dây kẽm gai bên ngoài.
Tù binh sinh hoạt trên dãy ván gỗ dọc hai bên phòng giam.
Ngoài các nhà giam thông thường, mỗi khu trại giam còn có một dãy chuồng cọp để phạt tù binh. Đây là những chuồng làm bằng dây kẽm gai, được đan chằng chịt xung quanh và trên nóc, chỉ đủ không gian cho người nằm hoặc ngồi lom khom, rất dễ bị dây thép gai đâm vào da thịt nếu nhúc nhích.
Không dừng lại ở đó, bọn cai ngục còn nghĩ ra những trò nhục hình dã man ở chuồng cọp như dội nước vào đêm lạnh, dội nước muối hoặc đốt lửa bên chuồng cọp ngày nóng. Nhiều người không chịu nổi đã chết tại các chuồng cọp.
Dã man không kém chuồng cọp là phòng kỷ luật, làm bằng sắt tấm bịt kín như container.
Bị nhốt ở đây, tù binh sẽ phải chịu cảnh đói khát, thiếu ánh sáng và không khí, nóng như thiêu đốt vào ban ngày, lạnh giá vào ban đêm, khi ra khỏi phòng sẽ mờ mắt và suy nhược trầm trọng.
Điều khủng khiếp nhất ở trại tù Phú Quốc chính là những đòn tra tấn cực kỳ man rợ của bọn quân cảnh. Theo thống kê, chúng sử dụng đến 45 hình thức tra tấn, từ cổ xưa đến hiện đại như đục răng (trên trái), đánh bằng roi cá đuối (trên phải), ép bằng ván (dưới trái), đánh đập bằng dùi cui, chày vồ (dưới phải)…
…Chiếu đèn cao áp làm nổ con ngươi (trên trái), quay điện (trên phải), nhét bao bố thả vào nối nước sôi (dưới trái), đục khớp đầu gồi (dưới phải)…
…Đóng đinh vào cơ thể (trên trái), kẹp dưới ván lấy búa đập (trên phải), lộn vỉ sắt (dưới trái), nướng trên giàn lửa (dưới phải)…
…Đốt bộ hạ (trên trái), treo lên trần nhà để đánh (trên phải), gõ thùng (dưới trái), làm ngạt bằng nước xà phòng (dưới phải)…
Các nhà quan sát của Tổ chức Chữ thập Đỏ quốc tế đã đến nhà tù Phú Quốc vào những năm 1969, 1972 và lên án sự tàn bạo có hệ thống, kéo dài tại nhà tù. Nhưng lực lượng Mỹ và chính phủ VNCH luôn tuyên bố rằng tổ chức Chữ thập Đỏ đã báo cáo sai lệch về tình trạng ở nhà tù.
Trước những hành động đàn áp tàn bạo của lực lượng quân cảnh ở nhà tù Phú Quốc, các chiến sĩ của ta đã đấu tranh bằng nhiều cách khác nhau, như đập xoong nồi để phản đối.
Tố cáo tội ác của địch bằng các khẩu hiệu “đả đảo khủng bố”, “đả đảo Mỹ ngụy giết người”…
Trước các hành động này, đối phương đã đàn áp thẳng tay.
Điều này đã dẫn đến những cuộc xô xát ngay bên trong trại giam.
Các tù binh giật ván sạp nằm, bẻ thanh xà nhà làm vũ khí chiến đấu.
Trong khi đó, địch dùng những vũ khí tra tấn chuyên nghiệp như chày vồ, roi cá đuối, dùi cui…
Nhiều chiến sĩ ngã xuống vì sự đàn áp dã man của đối phương.
Khi không thể khuất phục tù binh bằng những trận đánh giáp lá cà, lực lượng quân cảnh của trại tù Phú Quốc bắc loa kêu gọi đầu hàng. Khi không được đáp ứng, chúng sẵn sàng xả súng vào nhà giam.
Trong cuộc đối đầu không cân sức này, rất nhiều máu đã đổ.
Nhiều chiến sĩ đã hi sinh anh dũng.
Để thoát khỏi “địa ngục trần gian” này, các tù binh ở Phú Quốc đã tiến hành nhiều cuộc vượt ngục táo bạo bằng đường hầm, được đào phía dưới phản nằm.
Dụng cụ đào hầm tự chế bằng nắp cà mèn, cán muỗng. Cách đào phân công ba người một ca không mặc quần áo và đào vào ban đêm.
Trong việc đào hầm, khó nhất là làm sao giữ được bí mật. Vì vậy các chiến sĩ phải lên kế hoạch chi tiết như lượng đất phải ép vào hai bên thành của hầm hoặc lợi dụng trời mưa đem đi đổ để xóa dấu vết.
Theo tổng kết, có ít nhất 4 cuộc đào hầm thành công. Ngoài ra còn có hàng chục cuộc vượt ngục khác được tiến hành bằng cách vượt rào, đánh quân cảnh…
Có 2 cuộc vượt ngục đã được tiến hành từ nhà bếp bằng cách chui vào thùng phi ngụy trang thành thùng đựng xỉ than còn bốc khói và khiêng ra ngoài đổ…
Theo KIẾN THỨC